Đăng nhập
RẤT CÁM ƠN QUÝ BÀ CON ĐÃ DÀNH THỜI GIAN QUAN TÂM TÌM HIỂU VÀ CÓ Ý ĐỊNH HỢP TÁC VỚI TRANG TRẠI CHĂN NUÔI RẮN MỐI CỦA CHÚNG TÔI !

QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI RẮN MỐI

Tên Khoa học của Rắn Mối là:

- Dasia Olivacea,

- Olive Tree Skink, 

- Mabuya-nigropunctata, 

- Olivfarbener Baumskink

I. LÀM CHUỒNG:

Rắn mối là loài động vật sống trong hoang dã, do đó khi làm chuồng nên chú ý kết hợp tốt các khu vực chức năng như sau:

1. Bao che: Tol thẳng hoặc dán gạch cao 6-8 tấc, bên dưới chân không có khe hở, bên trên có thể bao che chống sự xâm nhập của chó, mèo, gà, rắn, chàng hiu,... gây hại.

2. Khu vực bóng mát: Nếu chuồng nhốt khoảng 50% diện tích, có để các vật dụng làm chổ trú như: gạch ống, chà tre, lá chuối, quày dừa, kệ củi, tol ximăng kê chữ thập,.... chú ý nên cách bao che khoảng 4-5 tấc tránh rắn nhảy ra ngoài, mật số thích hợp 1 mét vuông là 100 con.

3. Khu vực có ánh sáng tắm nắng: Nếu chuồng nhốt khoảng 50% diện tích, chuồng sinh thái nuôi theo hình thức chọn lọc tự nhiên thì càng rộng càng tốt nhưng khu vực có bóng mát phải dàn trãi để rắn mối không di chuyển tìm mồi quá xa, tối để vài bóng đèn cho côn trùng trú ngụ vào cây cỏ hôm sau làm mồi cho rắn mối.

4. Khu vực cho ăn uống: Nên bố trí ở nơi thoáng mát, dễ vệ sinh, dễ tìm, gần nơi trú ẩn, gần ống thoát nước, dĩa để thức ăn nằm thấp dưới đất và nên để ổn định một chổ tạo thành thói quen cho rắn mối.

5. Khu vực sinh sản: Tách con cái bụng to ra nơi yên tỉnh, cao ráo, thoáng mát, không đọng nước, có nhiều lá chuối khô, không có con đực, khi con cái đẻ xong bắt ra ngoài cho vào chuồng phối giống lứa tiếp theo, con con nên để đèn sưới ấm vào buổi tối

6. Khu vực trú ẩn cho rắn mối con mới nở: Nên tách riêng nếu nuôi nhốt, chuồng sinh thái thì nhiều lá chuối cho rắn mối con trốn, nên rãi thức ăn như sau gạo, dế, mối và để nước... ở nơi trú ẩn, tránh con đực nhầm lẫn rắn mối con là thức ăn hoặc tranh giành thức ăn.

* Chú ý: Nên vệ sinh diệt khuẩn chuồng 1-2 tuần 1 lần bằng cách dọn sạch chất dơ, thay ổ trú ẩn cho rắn, bẫy và tiêu diêt các vị khách "không mời mà đến" như chuột, cóc, chàng hiu, bọp quáp, nhái lớn,...

II. CHỌN GIỐNG:

1. Đặc điểm chung: Rắn mối có hai loại lưng sọc và lưng trơn, đầu hình tam giác, có 4 chân, mỗi chân có 5 ngón, có vảy trên mình, vảy phía trên màu nâu và phía dưới màu trắng ngả vàng, đuôi dễ đứt nhưng có khả năng tái sinh lại, hai bên hông có hai sọc đỏ chạy dọc xuống tới hai chân sau.

2. Nhận diện con đực và con cái:

- Con đực: Đầu to, chân khỏe, đuôi dài, có hai sọc đỏ chạy dọc hai bên hông, thân hình thon, không có đốm trăng hai bên hông,khi kiểm tra bộ phận sinh dục ấn nhẹ gai giao cấu lòi ra.

- Con cái: Đầu nhỏ, góc đuôi nhỏ, chân nhỏ, bụng to, di chuyển chậm chạp, có sọc đỏ chạy hai bên hông nhưng ngắn hơn con đực và có những đốm trắng hai bên hông chạy dọc lưng, hoặc có con có 7 sọc đen trên lưng.

III. THỨC ĂN:

Rắn mối là loài ăn tạp, thích ăn côn trùng và thức ăn có mùi tanh, không ăn thức ăn ôi thiu, nhiễm hoá chất, hay thức ăn có vị mặn, đắng, gia vị hoặc khô cứng, cụ thể như sau:

- Thức ăn côn trùng gồm có: mối, trứng kiến, trứng ong, dế, dán, nhái nhỏ, sâu gạo, sâu superworn, cào cào, trùng, dòi, cá tép nhỏ (nếu lớn bảm hoặc dùng kéo cắt nhỏ ra).

- Thức ăn chế biến: Có thể chế biến tươi hoặc xào lớn lửa trên bếp (độ chín-sống 50-50 để dinh dưỡng và vitamin còn nhiều) gồm các loại thịt mỡ gia súc gia cầm, cá tép, ruột ốc còn tươi (không qua ướp hoặc đông đá lưu trữ lâu ngày như cá biển), có thể băm hay xay nhỏ như hạt bắp hoặc xay nhuyễn trộn với cơm nguội, mì tôm (bẻ vụn trụng nước sôi, không niêm gia vị), có thể trộn với bột canxi, vitamin hỗn hợp, men tiêu hoá, cám gà con để đa dạng nguồn dinh dưỡng cho rắn (loại thức ăn này bổ dưỡng cao nhưng dễ ôi thiu, do đó nên cho ăn vào buổi sáng từ 8-11 giờ, rắn ăn không hết phải lấy ra khỏi chuồng để tránh vi khuẩn, ruồi nhặng xâm nhập).

- Ngoài ra rắn mối còn ăn một ít trái cây chín như: sơ mít, chuối, xoài, sapô, cái ruột nhản-chôm chôm, dưa hấu, hồng,... có thể xắt nhỏ hoặc để nguyên miếng dùng dao kẻ nhiều đường trên bề mặt (loại thức ăn này rắn chủ yếu là dùng lưỡi để liếm)

IV. CHĂM SÓC:

Rắn mối bóng mượt, linh lợi, chạy nhanh, thích săn mồi,... là rắn khởe mạnh, rắn chậm chạp, hai chân sau yếu, hả họng đầu ngốc lên trời, mắt đục, vảy sần sùi khô xấu là rắn có dấu hiệu bệnh tật. Chăm sóc chủ yếu là ngừa bệnh (nhất là thời điểm mưa dầm, đầu và cuối mùa mưa) bằng cách: vệ sinh chuồng trại, phun thuốc diệt khuẩn (loại dùng cho gia cầm, phù hợp liều lượng khoảng 50% liều lượng dùng cho gia cầm, phun trực tiếp lên mình rắn và chuồng trại), rãi vôi bột diệt khuẩn, trộn thuốc kháng khuẩn và bổ sung vitamin khoáng chất vào thức ăn nước uống để tăng sức đề kháng cho rắn. Các bệnh thường gặp như sau:

1. Bệnh bại chân, đốm đỏ:

- Triệu chứng: các chân của rắn bị yếu ít cử động, khi di chuyển mình rắn kéo lê trê nền, xuất hiện các đốm đỏ, màu da đen bất thường.

- Nguyên nhân: Do nuôi nhốt, bị nhiễm siêu vi khuẩn (Aeromonas), thiếu chất (calci, vitamin A, E, B, C) hoặc do di chuyển đi xa.

- Phòng bệnh: Cho cả đàn ăn và uống từ 3-5 ngày các loại kháng sinh, men tiêu hoá, thuốc chống bại liệt gia cầm kết hợp với vệ sinh chuồng. Có thể sửng dụng Premix Calphovit (01 g/10 kg thể trọng), Calciphos,  viên sủi bọt Vimix plus, vitamin hỗn hợp,.... trộn vào thức ăn hoặc nước uống cho ăn liên tục 5 ngày.

- Chữa bệnh: Dùng thuốc Doxery 1g/ 5-6 kg rắn + Vimenro 200 1ml/ 20 kg rắn; Doxery 1g/ 5-6 kg rắn + Vime N333 1g/ 10 kg rắn;  Vime Iodine loại cho thú y 15ml/ 4 lít nước,...lúc rắn đang bệnh có thể làm 2 lần/ tuần, định kỳ 1 tháng 1 lần; dùng kháng sinh Rifampicin (điều trị bệnh lao của người) bôi lên vùng da viêm rất có hiệu quả.

2. Bệnh phổi và đẹn trong miệng:

- Triệu chứng: Rắn hay ngóc đầu lên, trong miệng có chất nhờn, rắn hay khọt khẹt,...

- Nguyên nhân: Do chuồng trại bị ẩm ướt, mốc, đóng rong,... làm cho rắn bị bệnh đường hô hấp.

- Phòng bệnh: Xử lý bằng cách làm thông thoáng, khô, mát chuồng và tiêu độc, thay mới ổ cho rắn đồng thời bổi sung thức ăn dinh dưỡng cao cho rắn như các loại côn trùng.

- Chữa bệnh:  Dùng thuốc Vimefloro FDP: 1 ml/20 kg thể trọng hoặc Vimenro 200, liều lượng 1ml/40 kg thể trọng (hoặc 1ml/ 2kg thức ăn), trộn vào thức ăn, liên tục 5-7 lần liên tục.

3. Bệnh giun sán, gầy ốm, da sần sùi:.

- Triệu chứng: Rắn ốm yếu, mình nổi khía hoặc màu xanh lá, sần sùi rất xấu (phân biệt với rắn lột da)

- Nguyên nhân: Do rắn mắc các bệnh mãn tính, nhiễm khuẩn, giun sán, thiếu canxi,...

- Phòng bệnh:   Tách nuôi rắn riêng với bầy đàn, cho ăn côn trùng và bổ sung khoáng chất Calphovit, canxi, men tiêu hoá, tẩy giun sán (định kỳ 3 tháng tẩy giun 1 lần bằng thuốc tẩy giun của gà, liều lượng 50% liều dùng cho gà và tuỳ theo kg thể trọng của rắn), kết hợp với vệ sinh chuồng trại.

- Chữa bệnh: Dùng Calphovit và men tiêu hóa trộn vào thức ăn hoặc pha nước cho rắn uống.

4. Bệnh căng hơi:

- Triệu chứng: Mình rắn căng hơi to bất thường, di chuyển chậm chạp.

- Nguyên nhân: Do nhiễm khuẩn đường ruột.

- Phòng bệnh: Dùng  thuốc Pharmalox để giảm hơi, trộn  men tiêu hoá cho ăn uống liên tục trong 5 ngày (Pharbiozym hoặc Pharselenzym, 2g/10kg/ngày).

 V. SINH SẢN:

Chọn giống bố mẹ: Rắn mối nuôi được 7-8 tháng, tiến hành chọn những con bố mẹ to khỏe, không bị dị tật, không bị bệnh, nhốt chung chuồng bình thường, tỷ lệ 1 đực 2 cái, sau 2,5-3 tháng là rắn đẻ. Thường rắn đẻ ra bọc trứng bằng đầu đũa, sau khi đẻ được 2-3 phút rắn con tự cắn bọc và chui ra ngoài. Thời gian trưởng thành khoảng 8 tháng và bắt đầu sinh sản lúc 9 tới 10 tháng.

Khi rắn mối cái mang bầu ta nên tách rắn cái sang một chuồng chuyên nuôi rắn mối mang bầu nuôi riêng và chú ý theo dõi, khi rắn mối cái sinh sản ra rắn mối con ta cho rắn cái sang chuồng ở chung với rắn đực tỷ lệ 2:1 để tiếp tục thụ thai, đồng thời cho rắn mối con sang chuồng khác nuôi riêng. Rắn mối con sau khi nở được 2-3 ngày tiến hành cho ăn. Thức ăn chủ yếu là các loại côn trùng như trứng mối, kiến, dế; khi rắn lớn sẽ cho ăn sâu gạo, dế nhỏ.

VI. CHẾ BIẾN VÀ CÁC MÓN ĂN:

Ăn thịt rắn mối trị chứng thở khò khè ở trẻ em, bệnh nhức mỏi xương khớp ở người già,… Rắn mối có thể chế biến được các món ăn như: Nướng, Chiên, Rô ti, Xào lăn, Nấu cháo,...

VII. VỆ SINH CHUỒNG, THU BẮT VÀ VÂN CHUYỂN:

1. Vệ sinh chuồng rắn mối:

Trung bình 1 đến 2 tuần nên làm vệ sinh chuồng trại cho rắn mối một lần vào các buổi sáng trời có nắng đẹp, lấy các loại lá cây làm ổ rắn mối ra ngoài đốt hoặc bỏ đi và thay vào các chùm lá cây mới vào chuồng, đối với gạch ống nên xịt nước áp suất cho văng các cặn bẩn như vảy, thức ăn thừa, kiến, rác nhỏ và phân rắn mối,... đối với cách làm chổ trú cho rắn mối bằng chà cây hoặc đầu tàu dừa thì nên dùng chổi quét, sau đó phun thuốc diệt khuẩn đêm đi phơi trực tiếp ngoài nắng.

Lưu ý: Khi vệ sinh chuồng, có thể rắn mối sẽ nhát và không vào máng ăn từ 1 đến 2 ngày là bình thường, khi đó ta nên cho chúng ăn côn trùng như sâu gạo, khi chúng đói thì tự bò ra mà ăn, tránh cho ắn các thức ăn chế biến dễ bị ôi thiu.

2. Thu bắt rắn mối:

Rắn mối sống tự nhiên ngoài hoang dã chạy rất nhanh, khi nuôi nhốt thì dạn dĩ hơn đôi chút, để bắt được rắn mối một cách nhanh chóng chúng ta nên dùng một cái bao hoặc cái ống lớn, để vào bên trong nhiều lá chuối khô hoặc rơm rồi để vào một góc chuồng, từ từ giở các nơi trú ẩn còn lại chúng sẽ chạy ùa chen nhau vào nơi chúng ta làm ổ nhữ và như vậy chúng ta trút qua một cái sô lớn để lựa bắt rắn mối tuỳ ý. Trườg hợp cho rắn mối vào rổ nên dùng một tấm tol phẳng bằng thiếc hoặc nhựa khoanh lại như cái quặng lớn rồi ổ đột ngột vào rổ đựng, kéo đậy nắp nhanh lại tránh rắn mối chạy thoát ra ngoài. Trong tự nhiên, nhiều người còn dùng sợ gân buộc mỡ heo để câu (không cần lưỡi câu làm rách miệng rắn bỏ ăn dễ bị chết), khi rắn nuốt vào  thì giở lên tay kia kê thùng vào hứng là được, trường hợp dùng bã nhữ thì buộc một chùm lá chuối khô để ở nơi rắn mối thường qua lại, tối đến dùng một đoạn tol thẳng khoanh lại chụp xuống ổ rồi giở ổ ra rắn rơi xuống chạy lấn quấn trong khung ta bắt bỏ vào thùng. Lưu ý đối với rắn mối con khi bắt tách khỏi rắn mối mẹ của chúng ta nên dùng một cái máng xúc rác kê một đầu đầu kia xua cho chúng chạy vào rồi tách sang chuồng nuôi riêng, tránh bắt trực tiếp vì rắn mối con còn nhỏ, thân thể khá mềm nên rất dễ bị xây xát làm cho rắn mối con bỏ ăn bị hao hụt.

3. Vận chuyển rắn mối:

Trước khi vận chuyển không nên cho rắn mối ăn ít nhất là 2 giờ ồng hồ, dùng rổ nhựa hình khối chữ nhât loại để đựng trái cây, bên trong để lá cây cho xốp và che kín  khoảng 3/4 miệng rổ, rắn mối bắt sẵn ở một cái xô nhựa khác (có thể đếm số lượng), dùng một tấm tol thiếc hay tấm nhựa phẳng khoanh làm một cái quặng lớn kê vào chổ chừa 1/4 còn lại của nắp rổ rồi đổ cho rắn mối tuột xuống rổ, nhanh tay đậy nắp lại và buộc dây. Khi vận chuyển ngoài trời nên thoáng khí, che mát bên trên, khi đến nơi thả ra chỉ nên cho uống nước pha vitamin hỗ hợp hoặc thuốc kháng sinh Tetracillin pha loãng (trị trầy xuớc) không cho ăn khoảng nửa ngày cho rắn mối hồi sức mới bắt đầu cho ăn. Nếu vận chuyển xa, nên cẩn thận để tránh rắm mối bị đè, bị ép mạnh dễ gây hao hụt, thông thường khi chuyển đàn khoảng từ 5-10 ngày rắn mối mới dầ dầ ổn định và làm quen với chuồng mới.

                                                                                              

 

Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng

Trang chủ rắn mối

Có nuôi, có thất bại mới có thành công !

 
Xem toàn bộ

Mr Lê Thành Phần < DĐ 0 98 98 266 98 >

< ĐC: Phú Long A, Phú Quới, Long Hồ, Vĩnh Long >

Email:  trangtrairanmoi@gmail.com   ;  Website:  http://trangtrairanmoi.mov.mn   ;   Yahoo chat:  ltphan_vl@yahoo.com >

Tự tạo website với Webmienphi.vn